Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ – căn bệnh tiềm ẩn với dân văn phòng

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ – căn bệnh tiềm ẩn với dân văn phòng

  05/12/2018

  likima posting

Chị K.T.B.T là nữ nhân viên văn phòng, ba mươi sáu tuổi, thường xuyên phải ngồi làm việc với máy tính trong thời gian dài. Từ hơn hai tháng nay, chị bắt đầu cảm thấy đau nhức, mỏi mơ hồ ở cổ, tay trái tê rần. Chị đã thử các phương pháp chữa trị, uống thuốc giảm đau, giãn cơ kết hợp nghỉ ngơi nhưng tình trạng đau không thuyên giảm mà ngày càng tăng, lan dần ra hai tay và toàn bộ khu vực cổ, vai, gáy.

Chị T đến khám tại khoa Ngoại, Bệnh viện Quốc tế Becamex khi cơn đau trở nên dai dẳng kéo dài và tay trái yếu nhiều, đôi khi tê mất cảm giác. Chị T được các bác sĩ chuyên khoa thần kinh – cột sống thăm khám, tư vấn và chỉ định điều trị. Kết quả chụp X-Quang và cộng hưởng từ cho thấy chị bị thoát vị đĩa đệm giữa đốt sống cổ 4-5, 5-6; gai xương các đốt sống cổ 4, 5, 6.

Ông N.T.Đ là nhân viên hành chính nhà nước mới về hưu, bị đau cột sống cổ lan xuống hai tay đã hơn một năm nay, uống thuốc nhưng không đỡ. Ông Đ đi khám tại khoa Ngoại, Bệnh viện Quốc tế Becamex do đợt này đau nhiều, tê nhiều, hai tay yếu và vô lực, hạn chế sinh hoạt. Ông Đ được thăm khám, chỉ định chụp X-Quang và cộng hưởng từ. Bác sĩ chẩn đoán ông Đ bị chèn ép rễ và đám rối thần kinh trong bệnh đĩa đệm cột sống.

Đĩa đệm là một cấu trúc vòng sợi nằm giữa khe đốt sống bao bọc nhân nhày (nhân tủy) có tính đàn hồi, làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, giúp cột sống của chúng ta cử động được dễ dàng, linh hoạt đồng thời bảo vệ cột sống khỏi chấn thương.

Nhân nhầy là geletin dạng sợi, có tỉ lệ nước rất cao, có hình dạng như một viên bi dẻo và di chuyển theo hướng ngược lại với hướng vận động của cột sống, hỗ trợ các động tác gấp, duỗi xoay nghiêng của cơ thể.

Do những nguyên nhân như thoái hóa tự nhiên, các phân tử chứa nước bên trong nhân tủy sẽ giảm theo độ tuổi, khô dần, đĩa đệm không còn mềm mại, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt và rách. Ngoài ra những tư thế sai trong lao động, vận động hay hoạt động mạnh đột ngột cũng làm đĩa đệm bị chấn thương. Nhân nhày có thể qua chỗ rách của đĩa đệm thoát khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chui vào ống sống, chèn ép rễ thần kinh và tủy cổ.

Lúc này, phẫu thuật lấy nhân đệm, ghép xương và cố định cột sống cổ là phương pháp duy nhất để giải áp tủy cổ, làm vững cột sống cổ. Nếu không, khó tránh khỏi tổn thương dây thần kinh vận động các chi, bệnh nhân dần dần sẽ bị teo cơ, tàn phế suốt đời do bại liệt.

Chị T và ông Đ được chỉ định làm phẫu thuật lấy nhân đệm, hàn xương lối trước để giải áp tủy cổ, rễ thần kinh đốt sống cổ. Bệnh nhân được đặt nằm ngửa, gây mê nội khí quản và xác định đốt sống cần phẫu thuật bằng màn hình tăng sáng C-arm. Đây là một phẫu thuật can thiệp ít ảnh hưởng tới thẩm mỹ (do vết mổ nhỏ chỉ 3-5 cm) và đau sau mổ rất ít, bệnh nhân gần như có thể vận động ngay sau khi tác dụng của thuốc mê hết.

Sau khi lấy toàn bộ nhân đệm, giải áp lực cho tủy cổ bị chèn ép lõm, bệnh nhân được đặt lồng Peek hàn xương vào các khoang đĩa đệm (PEEK – Polyetheretherketon, polyme sinh học không tiêu, có tính đàn hồi tương tự xương). Cuối cùng bác sĩ sẽ đặt một nẹp 6 lỗ cố định 3 đốt sống cổ C4, 5, 6 của bệnh nhân.

Nhân viên văn phòng, do đặc thù công việc phải ngồi một chỗ suốt nhiều tiếng khiến cho cột sống cũng như đĩa đệm phải chịu áp lực lớn thời gian dài. Tư thế hơi chúi người về phía trước của những người ngồi làm việc với máy tính và việc không chú ý vận động, nghỉ ngơi hợp lý sẽ ảnh hưởng xấu đến đốt sống cổ. Bệnh lý về cột sống ngày càng trẻ hóa và có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sinh hoạt của người bệnh. Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý cũng như xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với việc tập thể dục thể thao chính là phương pháp hữu hiệu để nâng cao sức khỏe nói chung và bảo vệ cột sống nói riêng.

 

Nguồn: http://bih.vn/giao-duc-suc-khoe/thoat-vi-dia-dem-cot-song-co-can-benh-tiem-an-voi-dan-van-phong/

icon